Cơ hội cho doanh nghiệp ngành cơ khí
Với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, năm 2021 dù khó khăn, vẫn được xem là một năm nhiều kỳ vọng với ngành cơ khí.
Nhận định này còn trên cơ sở nội lực ngành cơ khí vượt qua năm 2020 với nhiều khó khăn tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Đào Phan Long, trong năm 2021, những doanh nghiệp sản xuất sẽ là những doanh nghiệp có nhiều cơ hội, bởi vì gần như các đơn đặt hàng từ Trung Quốc không xuất khẩu được do đất nước này khó có thể triển khai được những đơn hàng dưới tác động của dịch bệnh, hoặc do mất uy tín trên thương trường quốc tế. Trong khi gần như các đơn hàng đó được chuyển sang các nước; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đón được cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh.
“Muốn làm được điều này, buộc các doanh nghiệp phải liên kết mạnh mẽ hơn, những doanh nghiệp còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải biết ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng”, ông Long cho hay.
Trên thực tế, việc chuyển sản xuất/mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ nhiều năm trở lại đây. Bản thân các hiệp hội ngành hàng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp hội viên đã gặp gỡ và trao đổi..
Bà Trương Thị Chí Bình cho hay, các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch diễn biến trên toàn cầu vẫn phức tạp, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu, Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với các ngành chế tạo mà tất cả các ngành sản xuất.
Song song với đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp/liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất, hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới...
Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong năm 2021 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng...